Lợi ích của tiêm chủng những điều bà mẹ cần biết

      Tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em. Tiêm chủng mở rộng đã và đang góp phần thanh toán và loại trừ nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, đặc biệt giảm thời gian và công sức chăm sóc trẻ bị bệnh.

Lợi ích của tiêm chủng
Cho con cho tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để đạt miễn dịch cao nhất
Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao trên 90% trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay vẫn tiếp tục duy trì thành quả này. Thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ cấu bệnh tật trẻ em. Nếu so sánh năm 2016 với năm 1984, tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 410 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần; bệnh sởi giảm 3.010 lần.
Mục tiêu của tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc xin. Vắc xin trước khi đưa ra sử dụng tiêm chủng cho cộng đồng đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt và phải đảm bảo chất lượng và an toàn. Mặc dù vắc xin là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ; phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC) có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc xin. Một số người gặp các PƯSTC khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Các trường hợp xảy ra phản ứng nghiêm trọng chỉ là hãn hữu. Hầu hết các trường hợp PƯSTC nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. Để chăm sóc tốt hơn sức khỏe của trẻ khi đi tiêm chủng các bà mẹ lưu ý:
 Cho con cho tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để đạt miễn dịch cao nhất.
– Trước khi được tiêm chủng các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.
– Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như: sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.
– Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
– Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế.
Vì sự an toàn của trẻ, các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
Tiêm chủng – niềm hạnh phúc của trẻ thơ!

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ

Leave a comment